Chuyên gia Thu Hường có 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu STEM trong và ngoài nước. Hiện chị là chuyên gia đào tạo chương trình STEM EiE của Bảo tàng Khoa học Boston tại Boston, Mỹ; chuyên gia nghiên cứu chương trình STEM tại Bảo tàng khoa học Nemo - trung tâm khoa học lớn nhất Hà Lan; chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft, Sáng lập và Giám đốc chương trình Học viện Khoa học & Công nghệ Happy Kids tại Việt Nam.
"STEM trong tầm tay", nhắm tới ba đối tượng chính là cấp quản lý, giáo viên và học sinh nghèo, khuyết tật. "Trước hết, dự án mong muốn các cấp quản lý hiểu rõ về giáo dục STEM và những lợi ích của nó mang lại, hỗ trợ xây dựng lộ trình triển khai STEM trong nhà trường", chị Thu Hường chia sẻ.
Về phía giáo viên, thông qua những buổi chia sẻ, đào tạo, hướng dẫn, chị Thu Hường và cộng sự mong muốn các thầy cô hiểu đúng bản chất giáo dục STEM, biết cách triển khai các tiết học STEM hiệu quả, hướng dẫn học sinh đạt kết quả học tập tốt hơn, thay vì đơn thuần truyền đạt kiến thức. Mặt khác, các giáo viên cũng tạo được mối liên kết, phối hợp với nhau chặt chẽ hơn trong giảng dạy.
Với đối tượng là học sinh nghèo - khuyết tật, dự án giúp các em có cơ hội tiếp cận với những tiết học tập trải nghiệm và nâng cao năng lực tư duy, khả năng tìm hiểu, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Chia sẻ về cơ duyên xây dựng dự án cộng đồng phi lợi nhuận, chị Thu Hường chia sẻ, đầu năm 2019 chị đến với MIE - Cộng đồng giáo viên sáng tạo của Microsoft do Bill Gates sáng lập. Tại đây, câu chuyện với người bán báo da màu của ông đã truyền cảm hứng cho chị. Bill Gates nhận ra, mình nghèo hơn người bán báo ấy. Bởi anh ấy không đợi tới khi giàu có mới giúp đỡ người khác. Còn ông tuy có có khả năng giúp đỡ hàng chục đất nước nhưng đó là khi ông giàu nhất thế giới.
"Nghe câu chuyện và nhìn vào những dự án cộng đồng mà Bill Gates triển khai trên toàn thế giới tôi nhận ra ngay từ lúc này tôi cũng có thể chia sẻ và đóng góp cho xã hội, cho nền giáo dục Việt Nam bằng những kiến thức, kinh nghiệm của mình", chuyên gia Thu Hường nói.
Dù gặp nhiều khó khăn những ngày đầu triển khai, đến nay dự án cộng đồng phi lợi nhuận "STEM trong tầm tay" đã có những thành công bước đầu - nhận được sự ủng hộ của ban quản trị Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Microsoft Việt Nam, MangoSTEEMS Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển Giáo dục và Công nghệ Việt Nam, Học viện Khoa học và Công Nghệ Happy Kids cùng Sở Giáo dục các tỉnh cũng như hàng nghìn học sinh, giáo viên trên toàn quốc.
Dự án đã tiếp cận và truyền đạt phương pháp giáo dục STEM tới gần 1.800 giáo viên trên toàn quốc ở các lớp online và offline.
Là một giáo viên dạy tự do môn Toán, Lý, thầy Nguyễn Thanh Phụng, Pleiku, Gia Lai có cơ hội học tập STEM do cô Thu Hường giảng dạy. Ngay sau khi học xong, thầy áp dụng triển khai giảng dạy tại mái ấm Phanxico (Pleiku).
Theo thầy Phụng, STEM mang lại một luồng sinh khí mới giúp các em học thêm được nhiều kỹ năng. "Trong thời gian tới, tôi sẽ cố gắng thành lập một câu lạc bộ STEM tại mái ấm này, nhằm tạo điều kiện cho học sinh có được môi trường giao lưu học hỏi nhiều hơn", thầy Phụng chia sẻ.
Thầy Trang Minh Thiên - THPT Nguyễn Việt Dũng, thành phố Cần Thơ cũng chia sẻ, bản thân thầy khi tự tìm hiểu STEM thì thấy hay và hấp dẫn tuy nhiên còn mơ hồ về bản chất cũng như quy trình thực hiện một tiết dạy như thế nào. Khi được sự hướng dẫn và phân tích cặn kẽ của cô Thu Hường thì thầy đã hiểu, nắm rõ hơn bản chất của STEM và có thể ứng dụng vào tiết dạy của mình cũng như chia sẻ với đồng nghiệp.
"Khi tôi dạy bài Sóng dừng (môn Vật Lý lớp 12), các em học sinh rất hợp tác và thích thú với cách tiếp cận kiến thức này. Thời gian sắp tới tôi sẽ tiếp tục học tập và triển khai dạy giáo dục STEM cho các em học sinh ở những lớp mà tôi đảm nhiệm", thầy Minh Thiên cho biết.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, chị Thu Hường nói: "Tôi chỉ có một mong muốn duy nhất. Đó là những kiến thức STEM tôi nghiên cứu và áp dụng hơn 10 năm qua được chia sẻ thật nhiều tới các thầy cô và học sinh để giáo dục STEM có thể được áp dụng tại nhiều hơn nữa các cơ sở giáo dục từ mầm non tới đại học".
Thế Đan