Thương hiệu mới của C.T Group
Tháng 7/2020, C.T Group của đại gia Trần Kim Chung gây bất ngờ khi đổi tên thành CTCP Tập đoàn Chính Trực. Cùng trong thời điểm này, CTCP Bất động sản CT - một thành viên khác trong hệ sinh thái họ CT, cũng thay tên là CTCP Bất động sản Chính Trực.
Trong đạo đức học, từ "chính trực" được định nghĩa như sự trung thực hay sự hoàn hảo trong cách hành xử của một con người. Đặt trong bối cảnh hiện tại, khi Ngân hàng Vietinbank - chi nhánh TP.HCM thông báo bán đấu giá 3 khoản nợ của các pháp nhân liên quan, không loại trừ khả năng cái tên mới này là lời khẳng định trung chính của Chủ tịch HĐQT Trần Kim Chung, cũng như Tập đoàn Chính Trực, với các đối tác, khách hàng và dư luận nói chung.
Nhắc lại một chút, vào ngày 27/10/2020, Vietinbank – chi nhánh TP.HCM đã thông tin bán đấu giá 3 khoản nợ của CTCP Đầu tư Quốc tế Liên Hiệp Quốc (828,7 tỷ), CTCP Đầu tư Phương Nam Land(1.371 tỷ) và công ty TNHH MTV Vina Mall (397,8 tỷ) với mức giá khởi điểm gần 2.635 tỷ đồng. Đây là 3 pháp nhân có liên hệ mật thiết với thương hiệu CT cũ của đại gia Trần Kim Chung.
Tài sản đảm bảo cho 3 khoản nợ này gồm nhiều bất động sản có giá trị, các khoản góp vốn cổ phần. Trong đó, đáng chú ý nhất là lô đất 117 Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM – hay còn có tên gọi khác là dự án Léman Luxury Apartments.
Chủ đầu tư dự án Léman Luxury Apartments nằm trong danh sách nợ thuếNhư Nhadautu.vn từng đề cập trong nhiều bài viết, chủ đầu tư dự án là CTCP Đầu tư Phương Nam Land (tên gọi trước đây là CTCP C.T – Phương Nam). Doanh nghiệp này thành lập ngày 1/11/2010, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Cổ đông sáng lập Phương Nam Land gồm: CTCP Bất động sản CT (10%), CTCP Tập đoàn C.T (78%) và công ty TNHH MTV Đầu tư – Du lịch và vận tải biển Phương Nam (12%). Tính đến thời điểm hiện tại, Phương Nam Land chỉ công bố 2 cổ đông duy nhất là doanh nghiệp nhà nước công ty TNHH MTV Đầu tư – Du lịch và vận tải biển Phương Nam (12%) và CTCP Tập đoàn Chính Trực (1%) – tên cũ của Tập đoàn C.T.
Tuy nhiên, các nhân sự cấp cao của Phương Nam Land đều ít nhiều liên quan đến CT Group. Cụ thể, vị trí Chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc là ông Đinh Vĩnh Toàn (SN 1986). Theo tìm hiểu, ông đang nắm vị trí Tổng giám đốc/Người đại diện theo pháp luật CTCP Bon Grocrer. Được biết, 70% vốn Bon Grocrer thuộc sở hữu của bà Trần Thị Mỹ Hòa (em gái ông Trần Kim Chung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Chính Trực) – cá nhân đang đứng tên tại nhiều đơn vị có họ CT như: CTCP Quốc tế C&T Hải Phòng, chi nhánh CTCP Bán lẻ CT. Ngoài ra, bà Hòa cũng đang sở hữu 23,54 triệu cổ phần CTCP Bất động sản CT (nay đổi tên thành CTCP Bất động sản Chính Trực) – một mắt xích quan trọng của hệ sinh thái CT cũ.
Nông sâu năng lực của nhóm Chính Trực
"Theo tra cứu từ Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, CTCP Tập đoàn C.T (C.T Group – nay là Tập đoàn Chính Trực) hoàn toàn không có dư nợ trong 5 năm gần đây (hồ sơ kèm theo)", trích bản tin một trang tin điện tử ngày 4/11.
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, Tập đoàn Chính Trực (công ty mẹ) không có doanh thu và ghi nhận lỗ thuần trong giai đoạn 2016 – 2019. Cụ thể, Chính Trực lỗ 22 tỷ năm 2016; lỗ 25,7 tỷ năm 2017; lỗ 16,6 tỷ năm 2018 và lỗ 30,2 tỷ năm 2019. Những con số này rõ ràng thấp hơn rất nhiều so với mức giá khởi điểm 3 khoản nợ gần 2.635 tỷ đồng mà Vietinbank rao bán đấu giá.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Tập đoàn Chính Trực tính đến ngày 31/12/2019 đạt 1.499 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số đầu kỳ. Trong cơ cấu tài sản, vốn chủ sở hữu là 713,7 tỷ chiếm 47,6%; nợ phải trả 785,3 tỷ chiếm 52,4%.
Dù vậy, để hiểu một cách tường tận, sẽ là hợp lý khi đề cập thêm tình hình tài chính các doanh nghiệp lõi thuộc hệ sinh thái Chính Trực.
CTCP Bất động sản Chính Trực – mắt xích quan trọng của thương hiệu "CT Land", hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản. Nhắc tới CT Land, giới đầu tư không thể không đề cập các thương hiệu về bất động sản nhà ở, như: Léman Luxury Apartment, C.T Plaza và Metro Star, I-Home, Bee Home.
Tính đến hết năm 2019, tổng tài sản Chính Trực (công ty mẹ) đạt 4.762 tỷ đồng, trong đó chiếm đến hơn 82% là vốn chủ sở hữu 3.906 tỷ. Dù sở hữu khối tài sản lớn, nhưng hiệu quả kinh doanh của Bất động sản Chính Trực không cao. Giai đoạn 2016 – 2019 ghi nhận, Chính Trực đã lỗ thuần liên tục.
CTCP Đầu tư Phương Nam Land - Sau năm 2017 với doanh thu thuần âm 6,3 tỷ, Phương Nam Land báo doanh thu dương trong 2 năm liên tục. Cụ thể, năm 2018 đạt 459,2 tỷ và năm 2019 là 51,8 tỷ. Dù vậy, công ty lỗ thuần trong cả 4 năm này.
Trên bảng cân đối kế toán, tài sản Phương Nam Land tính đến ngày 31/12/2019 đạt 4.173 tỷ, trong đó chủ yếu là nợ phải trả 3.598 tỷ, chiếm 86,2%. Phần 13,8% còn lại là vốn chủ sở hữu 575 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Quốc tế Liên Hiệp Quốc - Doanh nghiệp này có tên gọi ban đầu là CTCP Quốc tế C&T, được thành lập vào tháng 2/2002, do ông Trần Kim Chung làm Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện theo pháp luật. Tháng 1/2017, công ty tăng vốn lên 2.341 tỷ đồng và không lâu sau đó danh sách cổ đông sáng lập được hé lộ gồm: Ông Trần Kim Chung (8,2%), Đinh Thị Bích Thảo (3%).
Đến tháng 7/2020, công ty đổi tên thành CTCP Đầu tư Quốc tế Liên Hiệp Quốc như thời điểm hiện tại. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có Người đại diện theo pháp luật/Tổng giám đốc mới là Nguyễn Cát Lộc (SN 1996). Tính đến tháng 9/2020, ông Lộc đang sở hữu hơn 147 triệu cổ phần Liên Hiệp Quốc, tương đương hơn 69,9% vốn công ty.
Tính đến hết năm 2019, Quốc tế Liên Hiệp Quốc ghi nhận tài sản gần 3.493 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.864 tỷ, nợ phải trả 1.629 tỷ.
Theo tìm hiểu, Quốc tế Liên Hiệp Quốc có hai công ty con gồm CTCP CT Sóng Thần và CTCP Nhà cho thuê Hiện đại Con Ong. Trong đó, CT Sóng Thần được giới thiệu chuyên phát triển các trung tâm kho phân phối hàng hóa, bến bãi, cảng, bãi giữ xe và lĩnh vực logistics của ngành bán lẻ. Hiện nay, CT Sóng Thần đang phát triển nhanh hệ thống kho tàng bến bãi, các khu bãi đậu xe, đặc biệt là khu công nghiệp, công nghệ cao như khu công nghiệp Quy Đức ở Bình Chánh, TP. HCM.
Cả CT Sóng Thần và CTCP Nhà cho thuê hiện đại Con Ong đều lỗ thuần trong giai đoạn 2016 – 2019.
Mối lương duyên 4 năm giữa VinaCapital và Vina Mall
Theo tìm hiểu, công ty TNHH MTV Vina Mall được thành lập vào cuối tháng 5/2016 với vốn điều lệ 40 tỷ đồng, thuộc sở hữu của bà Trần Khuê Giao, con gái ông Trần Kim Chung.
Tháng 7/2016, vị trí Giám đốc được chuyển từ con gái ông Chung sang người có liên quan là bà Mạc Thị Thúy Hiền - Giám đốc CTCP Bán lẻ CT.
Thông tin doanh nghiệp công bố mới đây cho thấy, Vina Mall từng là công ty 100% vốn thuộc sở hữu của công ty TNHH MTV Lam Co – doanh nghiệp do ông Lâm Di Don (Lam Don Di), Giám đốc điều hành của VinaCapital, làm người đại diện theo pháp luật. Trong giai đoạn này, Vina Mall có Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Brook Colin Taylor, CEO - Quản lý tài sản của VinaCapital.
Nhiều khả năng, mối lương duyên này bắt đầu từ hợp đồng hợp tác chuyển nhượng vốn góp số 01/2016/HĐCNVG-VINA ngày 3/6/2016 giữa Lam Co và bà Mạc Thị Thuý Hiền.
Tuy nhiên, đến ngày 30/10/2020, Vina Mall đã được chuyển thành công ty 100% vốn tư nhân trong nước, vốn điều lệ vẫn giữ nguyên mức 40 tỷ đồng. Đồng thời, vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cũng được chuyển về lại cho bà Mạc Thị Thúy Hiền.
Năm 2019, Vina Mall lỗ thuần 390 triệu đồng. Trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản công ty đạt 623,6 tỷ, tăng nhẹ 7,5% so với số đầu kỳ. Trong đó, chủ yếu số này là nợ phải trả 584,6 tỷ, chiếm 93,7%.